Quy trình quản lý tổng hợp tuyến trùng hại cà phê tại Tây Nguyên
Ngày đăng : 26/08/2015

Phạm vi áp dụng: Áp dụng để phòng trừ nhóm tuyến trùng ký sinh rễ cà phê vùng Tây Nguyên

Đối tượng áp dụng: Các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất trồng cà phê vùng Tây Nguyên

Nội dung quy trình kỹ thuật áp dụng vào sản xuất  

1. Loài tuyến trùng và triệu chứng gây hại

- Loài tuyến trùng gây hại:

            Tuyến trùng ký sinh rễ cà phê thuộc 2 giống chính là tuyến trùng gây vết thương Pratylenchus spp., và tuyến trùng gây nốt sưng Meloidogyne spp.

- Triệu chứng gây hại:

            + Tuyến trùng gây vết thương (Pratylenchus spp.) xâm nhập vào rễ gây ra các vết thương ở trên rễ làm rễ cây bị phá hủy từng đám, phần rễ cây bị tuyến trùng hại chuyển sang màu nâu và khô đi, trong khi đó ở cây không bị hại bộ rễ thường có màu trắng. Rễ bị hại sẽ không còn đủ khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng nuôi cây làm cho cây cà phê còi cọc, lá vàng, năng suất giảm. Vết thương do tuyến trùng gây ra, tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật, như nấm ký sinh, xâm nhập và gây bệnh cho cây.

            + Tuyến trùng nốt sưng (Meloidogyne spp.) ấu trùng xâm nhập vào rễ cây qua phần đầu rễ, định vị và kích thích các tế bào phát triển thành tế bào khổng lồ để cung cấp dinh dưỡng cho tuyến trùng. Những tế bào khổng lồ phân chia, và những tế bào xung quanh chúng cũng phát triển và hợp thành một khối hình thành nên nốt sưng trên bề mặt rễ. Do vậy rễ cây bị hại sẽ bị mất dinh dưỡng, làm cho cây còi cọc, kém phát triển, cây con co thể bị chết. Vết gây hại của tuyến trùng nốt sưng, cũng tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật, như nấm ký sinh, xâm nhập và gây bệnh cho cây

2. Biện pháp phòng trừ

2.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản

            Chuẩn bị đất trồng:

- Đất chuyển đổi từ cây trồng khác:

            Đất phải nằm trong vùng quy hoạch trồng cà phê

- Đất trồng tái canh cà phê:

            + Nhổ bỏ cây cà phê hoặc cây trồng khác (đất chuyển đổi) ngay sau khi thu hoạch, thu gom toàn bộ rễ ra khỏi vườn tiêu hủy.

            + Cày 2 lần ở độ sâu 40 - 45cm theo chiều ngang và chiều dọc của lô, phơi đất 1,5 - 2,0 tháng, sau đó bừa ở độ sâu 20 - 30cm theo chiều ngang và chiều dọc lô, tiếp tục gom nhặt rễ còn sót lại đưa ra khỏi vườn tiêu hủy. Trước khi bừa lần 1, bón rải đều trên bề mặt đất 1.000kg vôi bột/ha.

            + Thời gian tối thiểu trồng tái canh là 12 tháng, cắt nguồn tuyến trùng từ chu kỳ kinh doanh trước.

- Trồng luân canh cây cải tạo đất trong thời gian đợi trồng mới, nhóm cây trồng luân canh: Nhóm cây đậu đỗ, cây phân xanh họ đậu hoặc cúc vạn thọ (dùng toàn bộ cây làm phân cày vùi vào đất).

            Thiết kế hệ thông thoát nước vườn:

            Thiết kế hệ thống thoát nước vườn bao gồm mương thoát nước chính, rãnh thoát nước mặt thích hợp với từng địa hình, hạn chế tối đa lan truyến của nhóm tuyến trùng ký sinh rễ trong vườn vào mùa mưa.

             Xử lý hồ trồng, tạo hàng rào hạn chế tuyến trùng phát triển trong vùng rễ cây trồng mới:

- Đào hố trồng mới vào giữa các hàng cà phê của chu kỳ kinh doanh trước, tránh các hố trồng cà phê đã trồng cà phê trước đây.

- Phân hữu cơ bón lót:

            Ủ phân phân hữu cơ với chế phẩm sinh học SH-BV1, lượng dùng:  50 kg chế phẩm SH-BV1 trộn với 1 tấn phân chuồng, ủ từ 10 - 15 ngày, sử dụng 10 - 20 kg hỗn hợp phân và chế phẩm sinh học bón lót cho 1 hố trồng.

             Sử dụng cây giống sạch tuyến trùng

- Kiểm tra tuyến trùng trong túi bầu, trồng cây giống sạch tuyến trùng và đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng cây giống.

- Lưu ý trong sản xuất cây giống :

            + Vườn làm giống có rãnh cách ly với các vườn sản xuất, kích thước rãnh tối thiểu rộng 40cm, sâu 40 cm, thoát nước trong mùa mưa.

            + Đất làm bầu hoặc làm luống ươm cây giống có hàm lượng mùn cao, không có nguồn dịch hại trong đất, không được lấy ở những vùng đã trồng cà phê và hồ tiêu.

            + Đất không có tàn dư rễ cây, được xử lý phơi khô ít nhất 2 tháng, hạn chế tới mức thấp nhất mật độ tuyến trùng tồn tại trong đất.

            + Kiểm tra đất vườn ươm, nếu phát hiện có tuyến trùng, sử dụng các sản phẩm có hoạt chất Carbosulfan (Marshal 5 G); Benfuracarb (Oncol 20 EC), Abamectin (Tervigo 020SC)..., theo khuyến cáo lượng dùng của nhà sản xuất, tưới xử lý đất, phòng trừ tuyến trùng trên luống hoặc trên bầu trước khi gieo hạt hoặc ươn cây mạ 5 - 7 ngày. Đảm bảo cây giống trước khi xuất vườn không bị nhiễm tuyến trùng trong rễ và trong đất lây lan ngoài sản xuất.

2.2. Thời kỳ kinh doanh

             Biện pháp canh tác

- Hạ chiều cao của bồn < 20cm, tránh đọng nước trong mùa mưa, hạn chế tuyến trùng lây lan trong vườn.

- Tạo bổ sung hệ thống mương thoát nước chính, rãnh thoát nước nước mặt. Công việc này cần thực hiện trong mùa khô, tốt nhất sau thu hoạch, hạn chế ngập úng kể cả ngập úng cục bộ, hạn chế tuyến trùng và nấm bệnh lan truyền trong vườn vào mùa mưa.

- Tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, tăng nguồn vi sinh vật có lợi trong đất cạnh tranh với tuyến trùng gây hại.

- Bón phân hóa học cân đối, không bón quá nhiều đạm làm cho cây cà phê mẫn cảm với sâu bệnh hại.

            Biện pháp sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ, hạn chế mật độ quần thể tuyến trùng trong đất

- Hàng năm, phòng trừ tuyến trùng sớm, khi mật độ tuyến trùng trong đất vùng rễ bắt đầu tăng:

            + Sử dụng các sản phẩm AH No2, lượng dùng 1,4 lít/ha, pha với 6600 lít/ha (tưới 6 lít/gốc), tưới 3 lần vào gốc ở các thời điểm:

   Lần 1: Cà phê ra hoa rộ;

   Lần 2: Cà phê đậu quả rộ;

   Lần 3: Kết thúc đậu quả;

- Phòng trừ tuyến trong đất vào đầu mùa mưa (tháng 5):

   Sử dụng chế phẩm SH-BV1, lượng dùng 700 kg/ha, bón vào đất cùng với phân chuồng (5 kg/gốc). Nếu không có phân chuồng, có thể sử dụng phân hữu cơ vi sinh với lượng tối thiểu 2 kg/gốc.

- Những vườn thường bị tuyến trùng gây hại nặng, nhiều cây bị vàng lá, nhất là trong mùa khô, cần phòng trừ thêm một lần nữa bằng chế phẩm sinh học SH-BV1 vào gần cuối mùa mưa (tháng 9), hạn chế mật độ tuyến trùng tấn công bộ rễ trong mùa khô.

3.2.4. Phòng trừ các loại sâu bệnh hại khác

Thường xuyên kiếm tra vườn, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại quan trọng trên cây cà phê theo nguyên lý phòng trừ tổng hợp.

Lưu ý: kiểm tra nhóm rệp sáp thời kỳ mùa khô, nhất là rệp sáp hại hại rễ đối với các vườn thời kỳ kiến thiết cơ bản. Phát hiện có rệp sáp hại rễ có thể sử dụng chế phẩm Sông Lam 333 50ND hoặc chế phẩm sinh học Metarhizium để phòng trừ theo liều lượng và khuyến cáo của nhà sản xuất.

Bộ môn Côn trùng- Viện Bảo vệ thực vật

Các thông tin khác :
· Quy trình quản lý tổng hợp tuyến trùng hại hồ tiêu tại Tây Nguyên
· QUY TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP RUỒI HẠI QUẢ THANH LONG DIỆN RỘNG TRÊN CƠ SỞ BẢ PROTEIN
· QUY TRÌNH QUẢN LÝ TÍNH KHÁNG THUỐC BVTV CỦA NHỆN ĐỎ (Panonychus citri McGregor) TRÊN CÂY ĂN QUẢ CÓ MÚI VÀ QUY TRÌNH QUẢN LÝ TÍNH KHÁNG THUỐC BVTV CỦA NHỆN ĐỎ ( Oligonychus coffeae Nietner) HẠI CHÈ
· QUY TRÌNH PHÒNG CHỐNG BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN HIỆU QUẢ VÀ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG TẠI TÂY NAM BỘ
· QUY TRÌNH PHÒNG CHỐNG BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN HIỆU QUẢ VÀ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG TẠI ĐÔNG NAM BỘ
· QUY TRÌNH SẢN XUẤT NHỘNG RUỒI HẠI QUẢ THANH LONG
· QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ BỆNH HẠI TRÊN CAM TRƯƠC THU HOẠCH CÓ SỬ DỤNG SẢN PHẨM NANO
· QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHÒNG, CHỐNG SÂU KEO MÙA THU
· QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP RỆP SÁP BỘT HỒNG HẠI SẮN
· Quy trình chẩn đoán virus lùn sọc đen phương Nam hại lúa
· HƯỚNG DẪN PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI QUAN TRỌNG TRÊN CÂY RAU HỌ BẦU BÍ
· HƯỚNG DẪN PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI QUAN TRỌNG TRÊN CÂY RAU HỌ THẬP TỰ
· QUY TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP BỆNH VÀNG RỤNG LÁ CAO SU (Corynespora cassiicola) CHO VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
· QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP BỆNH THỐI ĐEN QUẢ CA CAO