Bộ môn Chẩn đoán giám định dịch hại & thiên địch
Ngày đăng : 07/07/2017

I. Thông tin chung

Chức năng: Bộ môn Chẩn đoán Giám định Dịch hại và Thiên địch là một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Bảo vệ thực vật, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu chẩn đoán giám định sinh vật gây hại cây trồng, thiên địch của chúng.

Nhiệm vụ

- Điều tra thành phần, nghiên cứu phương pháp chẩn đoán giám định sinh vật gây hại & sinh vật có ích trên cây trồng nông lâm nghiệp, nông lâm sản trong quá trình bảo quản;

- Rà soát phát hiện các dịch hại lạ thuộc dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam;

- Nghiên cứu vai trò đa dạng sinh học trong bảo vệ thực vật và xây dựng quĩ gen về sinh vật trong bảo vệ thực vật;

- Xây dựng, bảo quản bộ mẫu tiêu bản chuẩn về côn trùng, bệnh hại cây, cỏ dại và thiên địch của dịch hại;

- Xây dựng tài liệu chẩn đoán giám định sinh vật trong bảo vệ thực vật;

- Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán giám định dịch hại, thiên địch.

Cơ cấu tổ chức: 

Lãnh đạo Bộ môn:  TS. Lê Xuân Vị  Trưởng bộ môn 

                                TS. Bùi Văn Dũng, Phó bộ môn

Các nhóm công tác:

- Giám định côn trùng;

- Chẩn đoán giám định bệnh hại cây;

- Giám định thiên địch của sâu hại;

- Nghiên cứu đa dạng sinh học trong BVTV.

Năng lực khoa học 

Nguồn nhân lực: 14 cán bộ, trong đó có 4 tiến sỹ, 7 thạc sỹ , 3 kỹ sư.

Bộ môn có trang thiết bị đủ để chẩn đoán giám định các dịch hại và thiên địch (kính lúp soi nổi, kinh hiển vi hiện đại và hệ thống máy móc cho phản ứng PCR, ELISA).

II. Một số thành tựu chính của đơn vị

1-  Điều tra thành phần sâu bệnh hại và thiên địch: Thu thập được hơn 1000 loài côn trùng, nhện nhỏ, hơn 200 loài sinh vật gây bệnh hại cây trồng và lập được danh lục sâu hại, bệnh hại (tương ứng) cho 39 và 48 loại cây trồng ở phía Nam, danh lục bệnh hại cho 5 loại cây ăn quả ôn đới. Thu thập, xác định được khoảng 700 loài thiên địch của sâu hại trên các cây trồng chính

2- Bảo quản bộ sưu tập côn trùng, bệnh hại cây trồng: Bộ môn đang bảo quản bộ mẫu côn trùng gồm gần 10 000 loài với hàng trăm ngàn mẫu vật. Bộ tiêu bản mẫu bệnh cây gồm khoảng 1100 hộp mẫu khô, 150 lọ mẫu nước của khoảng 725 loại bệnh do 557 loài vi sinh vật gây ra và khoảng 150 mẫu phân lập của nhiều loài nấm gây bệnh cây trồng được bảo quản lạnh.

3- Nghiên cứu một số vấn đề cơ bản trong BVTV: Nghiên cứu rệp muội họ Aphididae, ruồi ăn rệp họ Syrphidae, nhện lớn (Arachneida) trên đồng lúa, tập hợp thiên địch trên lúa, CAQCM, cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày,... Nghiên cứu sinh học, sinh thái một số dịch hại, thiên địch phổ biến. 

4. Nghiên cứu các vấn đề cấp bách của sản xuất: Tham gia nghiên cứu phòng chống dịch rầy nâu, bệnh lúa lùn xoăn lá và bệnh lúa cỏ ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1979 và 2006, góp phần giải quyết vấn đề rầy nâu, bệnh lúa lùn xoăn lá và bệnh lúa cỏ ở đồng bằng sông Cửu Long.

5.  Nghiên cứu đa dạng loài chân khớp trong sinh quần nông nghiệp: Đã tiến hành các nghiên cứu khu hệ thiên địch của sâu hại trên lúa, ngô, rau thập tự, đậu ăn quả, chè, cây ăn quả có múi,..., nghiên cứu thay đổi tính đa dạng loài của chúng dưới ảnh hưởng của hoạt động sản xuất. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp bảo tồn, lợi dụng thiên địch trong phòng chống sâu hại. 

6.  Nghiên cứu giải pháp phòng chống sâu bệnh hại quan trọng: Nghiên cứu sử dụng dầu khoáng để phòng chống sâu hại và bệnh hoàng long trên CAQCM. Nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng chống bệnh hại quế, bệnh hại cây ăn quả ôn đới, bệnh hại lạc vụ thu đông, bệnh hại mía, bệnh thối ngọn cà chua, bệnh thối cuống quả xoài và bệnh chết héo trên lạc, rệp muội hại một số cây trồng, sâu bệnh chính hại ngô trong bảo quản,...

7. Nghiên cứu về môi trường: Nghiên cứu biện pháp sinh học phòng trừ cây trinh nữ thân gỗ, cây bèo tây. Đã nhập nội nhiều tác nhân sinh học, thử tính chuyên hóa thức ăn của chúng nhằm thả để hạn chế 2 loài thực vật ngoại lai xâm lấn này, góp phần bảo vệ môi trường.  

8. Các nghiên cứu khác: Nghiên cứu và xây dựng mô hình sử dụng hợp lý thuốc hóa học, chế phẩm sinh học, thảo mộc trong phòng chống tổng hợp sâu hại chè đáp ứng yêu cầu sản xuất chè an toàn và chất l¬ượng cao. Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro tiềm ẩn của cây bông biến đổi gen. Nghiên cứu nâng cao chất lượng sau thu hoạch các loại quả ôn đới. Tham gia nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới (mận, hồng, đào) chất lượng cao ở miền núi phía Bắc. 

9. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và các dự án kinh tế xã hội: Bộ môn đã tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về BVTV ở qui mô cấp xã và qui mô cấp huyện tại một số địa phương, giúp cho địa phương có năng suất lúa cao và ổn định, thiệt hại do sâu bệnh giảm hẳn. Các dự án kinh tế xã hội mà Bộ môn thực hiện đã trồng được 45 ha cây ăn quả (xoài, nhãn, vải đào) xây dựng 4 vườn nhân giống cây ăn quả cho tỉnh Sơn La, tập huấn cho 60 cán bộ kỹ thuật và hàng vạn lượt nông dân Sơn La về kỹ thuật trồng trọt. Một số dự án mà Bộ môn thực hiện đã biên soạn 11 đầu sách hướng dẫn kỹ thuật. Số sách này đã in với tổng số 12 000 bản và phát miễn phí cho địa phương trong cả nước, đặc biệt vùng dự án. 
Kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội nghị trong nước & quốc tế, các kỷ yếu của Viện BVTV với khoảng 160 bài báo khoa học.

III. Các phần thưởng bộ môn đã đạt được

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1996)

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) về thành tích công tác năm 2004-2006.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về thành tích công tác năm 2004.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về thành tích công tác năm 2005.

- Bằng khen của BCH Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT về thành tích xây dựng Công đoàn năm 2004.

- Bằng khen của BCH Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT về thành tích xây dựng Công đoàn năm 2005.

- Bằng khen của BCH Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT với thành tích là Tổ chức Công đoàn cơ sở vững mạnh trong 3 năm 2003-2005.

Địa chỉ liên hệ: Bộ môn Chẩn đoán giám định dịch hại & thiên địch, Viện Bảo vệ thực vật; Đức Thắng- Bắc Từ Liêm- Hà Nội;

Điện thoại 024 38362 393; Fax: 024 38363 563.

Các thông tin khác :