Triển vọng phát triển giống hồng giòn không chát ở Việt Nam
Ngày đăng : 15/01/2014

Do sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng nên giá bán quả hồng các giồng địa phương ngày càng thấp, nhiều hộ nông dân đang chặt bỏ cây hồng địa phương và chuyển sang trồng các giống hồng ngọt nhập nội từ Úc. Các vụ quả năm 2010 và 2011, giá thu mua tại các vườn trồng các giống hồng chát địa phương rất thấp, giao động từ 500 đến 2000 đồng/kg. Với mức giá như vậy không đủ để bù lại chi phí sản xuất. Chính vì vậy nhiều hộ dân đang lựa chọn cây trồng khác với hy vọng mang lại mức thu nhập cao hơn.Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, nhiều hộ nông dân đang được dự án ACIAR chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng hồng ngọt, lợi nhuận thu được cao hơn hẳn so với trồng các giống địa phương. Những hộ nông dân này đã ghép cải tạo các vườn hồng đang trồng các giống địa phương bằng các giống hồng ngọt ‘Fuyu’ và ‘Jiro’ từ khi dự án bắt đầu triển khai vào năm 2008. Hiện tại, các vườn hồng ghép cải tạo đang có thu nhập cao hơn khoảng 50 lần so với trồng các giống hồng chát địa phương. Cây ghép cải tạo đang cho năng suất 350 - 600 quả/cây, khối lượng quả đạt 180-240 gram. Giá bán ở các chợ địa phương tại 2 huyện Mộc Châu và Đà Bắc trong 2 vụ quả năm 2010 và 2011 là 25.000 - 26.000 đồng/kg.Kết quả mang lại do ghép cải tạo bằng các giống hồng ngọt chất lượng cao ‘Fuyu’ và ‘Jiro’ được người nông dân đánh giá cao. Những giống mới này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các giống hồng chát bản địa đang trồng phổ biến ngoài sản xuất là:

Các giống hồng ngọt không chứa hàm lượng chất gây chát (ta-nanh) cao trong thịt quả. Chất chát thường làm cho người tiêu dùng có cảm giác khó chịu khi thưởng thức;

Hồng ngọt có thể ăn được ngay khi mà thịt quả còn cứng, quả khi chín vẫn còn cứng và chắc. Trong khi hồng chát đại phương chỉ có thể ăn được khi thịt quả đã mềm hoặc được xử lý bằng hóa chất hoặc giấm để loại bỏ chất chát. Quá trình xử lý trên làm cho quả hổng khi chín rất mềm;

Hồng ngọt không cần xử lý bằng hóa chất để loại bỏ chát, chính vì vậy chúng an toàn hơn với người tiêu dùng. Nhiều giống hồng chát cần phải xử lý bằng hóa chất để loại bỏ chất chát và ngăn chặn bệnh tấn công phần thịt quả. Xử lý hóa chất làm cho quả hồng chát có thể được bán ra thị trường khi quả vẫn còn hơi cứng, nhưng tác động phụ khi xử lý cũng làm gia tăng lo ngại về an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng;

 Hồng ngọt quả vẫn chắc khi chín, vận chuyển thuận lợi, không bị tổn thương như các giống hồng địa phương. Các giống hồng địa phương thường mềm và xấu mã nhanh chóng sau khi hái khỏi cây. Các đặc điểm này làm cho việc vận chuyển và thương mại các giống hồng chát gặp nhiều khó khăn;

Hồng ngọt, thịt quả có khả năng chống chịu bệnh hại tốt hơn so với các giống hồng chát. Các giồng hồng chát, khi quá trình chín diễn ra làm cho quả hồng mềm đi nhanh chóng, dễ bị bệnh hại tấn công;

Hồng ngọt, với đặc điểm quả chắc giúp cho người trồng, người bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng kéo dài đáng kể thời gian bảo quản quả. Lợi thế này giúp người tiêu dùng có thể bảo quản quả lâu hơn trong điều kiện bình thường hoặc trong tủ lạnh. Giá bán hồng ngọt luân cao và ổn định trong 2 năm qua, ngay cả khi mà sản lượng tăng lên. Các giống hồng ngọt mới được nhập nội từ dự án ACIAR đang chứng minh đây là giống cây thích hợp thay cho các giống hồng chát địa phương. Mặc dù ACIAR chưa tiến hành các nghiên cứu thị trường, nhưng sự ổn định về giá bán của các giống hồng ngọt đang được kiểm chứng trên thị trường bởi những người trồng hồng. Hiện tại, người nông dân trồng hồng ở Việt Nam đang phải đối mặt với việc cạnh tranh với hồng nhập từ Trung Quốc. Năm 2011, hồng Trung Quốc có mặt trên thị trường Hà Nội, quả hồng được đóng gói đẹp bằng màng co, ghi nhãn mác là hồng ngọt từ Trung Quốc. Dự án đã mua về để đánh giá. Mỗi gói có 4 quả đặt trong khay xốp bọc màng nilon cùng với gói nhỏ hấp thụ oxy ở bên trong. Giá mua mỗi gói 4 quả là 25 000 đồng (1 kg). Nhưng những quả hồng này ăn không ngon bằng hồng ngọt trồng tại Việt Nam vì hồng Trung Quốc đẹp mã, nhưng thu hoạch chưa đúng độ chín và không có hương vị. Mặc dù hồng Trung Quốc được bày bán trên thị trường địa phương ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhưng hồng trồng tại Việt Nam vẫn bán với giá cao, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn. Tại thị trường Hà Nội, hồng ngọt vẫn có thể bán được giá cao hơn nữa, nếu chất lượng quả được nâng lên vì người tiêu dùng có thu nhập tốt sẵn sàng lựa chọn tiêu thụ các loại quả có chất lượng cao. Những hộ nông dân trồng hồng ở Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn nước láng giềng Trung Quốc. Trước hết, giống hồng ở Việt Nam chín sớm hơn khoảng 1 tháng so với hồng Trung Quốc, tạo ra lợi thế về trường. Thứ 2 là nông dân Việt Nam có lợi thế về cạnh tranh hơn do chi phí sản xuất và vận chuyển thấp hơn để tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam.

Dự án ACIAR AGB/2006/066 đang mang lại tác động tích cực cho người nông dân dân dân tộc thiểu số tại một số tỉnh phía Bắc về kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch các giống hồng mới chất lượng cao, giúp cho các hộ nông dân trồng hồng nâng cao giá trị các vườn hồng so với trồng các giống hồng chát truyền thống.

Các thông tin khác :
· THÔNG BÁO MỞ LỚP ĐÀO TẠO NGẮN HẠN VỀ CÔNG NGHỆ SINH HỌC
· TÊN KHOA HỌC CỦA SÂU CUỐN LÁ CHUỐI
· THÔNG BÁO MỜI CHÀO HÀNG
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ cao cấp của chính phủ Banladesh
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ Viện BVTV tới Cục Bảo vệ thực vật
· Tình hình bệnh Vàng lá di động (VLDĐ) trên lúa vụ mùa năm 2013 tại Bắc Giang
· Hội thảo “ Quản lý ruồi đục quả diện rộng góp phần nâng cao chất lượng quả phục vụ xuất khẩu”
· Gặp mặt cán bộ hưu trí và cán bộ được điều động công tác mới
· Viện Bảo vệ thực vật thông báo mời thầu gói thầu
· Giới thiệu một số nguồn nấm ký sinh côn trùng có tiềm năng...
· Đã phát hiện rệp sáp bột hồng tại Việt Nam
· Hội thảo tham vấn về tuyến trùng hại hồ tiêu, cà phê và kinh nghiệm phòng trừ tại Tây Nguyên